White Heather VN
  • Trang chủ
  • Về chúng tôi
  • Về bạo hành
    • Chung
    • Bạo hành trẻ em
    • Bạo hành người yêu
    • Bạo hành người lớn tuổi
    • Khác
  • Bài viết
    • Tìm hiểu
    • Bàn luận
  • Phòng tranh
    • Khóc Thì Sao 1
    • Khóc Thì Sao 2
    • Yêu không phải cớ 1
    • Yêu không phải cớ 2
    • Chu kỳ của bạo hành
    • Những tác phẩm khác
  • Truyện bạn đọc
    • Giới thiệu mục Kể chuyện
    • Truyện từ bạn đọc
    • Truyện sưu tầm
  • Trang chủ
  • Về chúng tôi
  • Về bạo hành
    • Chung
    • Bạo hành trẻ em
    • Bạo hành người yêu
    • Bạo hành người lớn tuổi
    • Khác
  • Bài viết
    • Tìm hiểu
    • Bàn luận
  • Phòng tranh
    • Khóc Thì Sao 1
    • Khóc Thì Sao 2
    • Yêu không phải cớ 1
    • Yêu không phải cớ 2
    • Chu kỳ của bạo hành
    • Những tác phẩm khác
  • Truyện bạn đọc
    • Giới thiệu mục Kể chuyện
    • Truyện từ bạn đọc
    • Truyện sưu tầm

Bạo hành giữa anh chị em - Một vấn nạn tiềm ẩn chưa được quan tâm

7/13/2017

0 Comments

 
Picture


“Hãy kể cho mọi người về bạo hành giữa anh chị em ruột, để bọn trẻ không phải trải qua những gì anh trai tôi đã làm với tôi.” Lời một nạn nhân bạo hành.

“Tôi bị cưỡng dâm năm 13 tuổi - không phải bởi một kẻ lạ trong ngõ tối mà bởi chính anh trai mình, ngay trong ngôi nhà của mình, khi anh tôi được giao nhiệm vụ trông tôi và bọn em nhỏ. Anh tôi dọa giết và làm giả như một vụ tai nạn nếu tôi dám kể với bố mẹ. Tôi đã không kể, và từ đấy tôi trở thành công cụ tình dục của anh trai mình, lúc nào muốn thì anh ta lấy ra dùng.”

“Nếu tôi nói với bố mẹ rằng anh đánh mình, “Chắc mày làm gì nên nó mới đánh,” bố mẹ tôi sẽ nói thế. Tôi chẳng làm gì cả. Anh cứ đánh tôi mãi. Nếu tôi chống trả hay đánh lại, đấy sẽ là bằng chứng cho việc tôi đáng bị đánh. Tôi luôn phải lẩn trốn để tự bảo vệ mình trước anh trai.”

“Hôm trước tôi đi chơi với một nhóm bạn. Chúng tôi kể về biệt danh và tên ở nhà khi còn nhỏ. Tôi bảo mình không có, nhưng khi cười đùa với đám bạn, trong đầu tôi cứ văng vẳng cái tên chị gái mình gán cho – mông lợn. Tôi không muốn đám bạn biết rằng tôi đã từng như thế trong mắt chị mình. Bố mẹ tôi thấy thế là buồn cười. Tôi thì không. Tôi luôn khóc. Tuổi thơ của tôi là một cơn ác mộng. Thậm chí tôi còn chẳng muốn nhìn thấy ảnh hồi bé của mình. Tôi vứt hết tựu trường của mình. Kí ức làm tôi thấy đau đớn kinh khủng. Đến năm 42 tuổi, tôi mới có dũng khí để đi tư vấn tâm lí. Có lẽ tôi sẽ được thoát ra khỏi cái vỏ của mình và được thực sự thưởng thức những năm còn lại của cuộc đời.”

Đây không phải là những trích đoạn từ kịch bản phim hay lời của nhân vật trong tiểu thuyết. Đây là lời những người khi còn nhỏ từng là nạn nhân của một dạng bạo hành còn ẩn hình và chưa được phơi bày – bạo hành giữa anh chị em ruột. Bạo lực trong gia đình đã được tìm hiểu và khắc phục qua những dạng bạo hành như bảo hành với trẻ em, với vợ chồng và với người già. Tuy cánh cửa ngăn cách xã hội và “chuyện của trong nhà” đang dần được mở, vẫn còn một dạng bạo hành chưa được chú ý nhiều: bạo hành thể chất, tinh thần và tình dục giữa anh chị em ruột.

Các bậc phụ huynh thường biện hộ cho bạo hành giữa anh chị em ruột. Người thì giả như không biết. Người thì biết nhưng mặc kệ, hoặc không tin lời con mình khi nghe con kể chuyện. Có người còn đổ lỗi cho nạn nhân – cho rằng con mình khơi mào hoặc đáng bị bạo hành. Với nhiều người, họ cho rằng đấy chỉ là những biểu hiện hoàn toàn bình thường, chỉ như anh chị em chọc phá lẫn nhau, và như một phần của quá trình trưởng thành.

Hãy hỏi nạn nhân nếu họ cho rằng bạo hành giữa anh chị em ruột là hành vi điển hình của trẻ con đang lớn, là xích mích đơn thuần giữa anh chị em, hay nếu họ xứng đáng phải chịu những trải nghiệm ấy. “KHÔNG” sẽ là câu trả lời của nạn nhân ở bất cứ đâu, cũng như của 150 nạn nhân đã chia sẻ câu chuyện của họ trong cuốn sách này (Sách: “Sibling Abuse: Hidden Physical, Emotional, and Sexual Trauma”).

Cuộc đời của nạn nhân phải mang những vết sẹo, vì bị anh chị em ruột bạo hành, vì phản ứng của cha mẹ: Họ sợ hãi, cảm thấy không thể tin tưởng ai, không có sự tự tin, vướng phải vấn đề với rượu bia và chất gây nghiện, và gặp phải khó khăn trong tình dục.

Bạo hành trẻ em từng dấy lên một chuỗi cảm xúc hỗn tạp: kinh hoàng, nhục nhã, ngạc nhiên và ghê tởm. Vấn đề cha mẹ bạo hành con cái từng được giấu kín ở một cõi âm, nơi những câu chuyện chỉ có thể được cảm nhận mà không được chứng kiến, được biết mà không được thừa nhận. Bài luận “The Battered Child” (tạm dịch: “Đứa trẻ bị vùi dập”) của Tiến sĩ Kempe và những đồng tác giả đã như một tấm vải liệm đột ngột bị giật tung. Khán giả phải chịu một cú sốc, nhưng đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm. Nỗi kinh hoàng giờ đã được phơi bày, và không dễ gì có thể bị che lại lần nữa.

Giờ đã đến lúc để mở thêm một tấm vải liệm khác – đang che đậy sự bạo hành thể chất, tinh thần và tình dục giữa anh chị em ruột.

   1. Bạo hành thể chất
​

“Tuổi thơ của tôi thật kinh khủng. Anh trai tôi cứ liên tục đánh đập và tát tôi liên tiếp.”

Hãy tưởng tượng tình huống như sau: Một đứa trẻ được đưa vào phòng cấp cứu với vết bầm và vết thương chảy máu trên mặt. Nếu người mẹ nói rằng cha đứa trẻ đã đánh nó, luật pháp yêu cầu vụ việc phải được báo cáo và tiến hành điều tra về khả năng bạo hành con cái của cha mẹ đứa trẻ.

Bây giờ quay lại tình huống phòng cấp cứu: Vẫn đứa trẻ ấy được đưa vào phòng cấp cứu với những vết thương tương tự. Nếu người mẹ nói rằng đứa trẻ đánh nhau với anh chị em ruột, không có cuộc điều tra nào sẽ được tiến hành. Vụ việc được đóng lại. Tại sao? Những vết thương này không được xét đến như kết quả của bạo hành, mà chỉ là xích mích thông thường giữa trẻ con.

Nạn nhân cho biết một sự thực hiển nhiên về bạo hành thể chất: Trong khi xã hội công nhận sự tồn tại của bạo hành thể chất với trẻ em gây ra bởi người lớn, xã hội cũng làm ngơ với bạo hành giữa anh chị em trong gia đình.  

Kết quả từ một khảo sát quốc gia tại Mỹ cho biết hành vi bạo lực giữa anh chị em có tần số cao hơn so với giữa cha mẹ-con cái và vợ-chồng. Hàng năm, 53 trong 100 trẻ tấn công anh chị em mình. 138,000 trẻ từ độ tuổi 3 đến 17 sử dụng vũ khí khi tấn công anh chị em ruột. Những hành vi này, nếu xảy ra bên ngoài gia đình, sẽ bị coi là hành hung. Nếu chúng xảy ra giữa anh chị em trong gia đình, thì thường bị lờ đi.

64% (96 người) trong số 150 nạn nhân đóng góp trong cuốn sách này cho biết bạo hành thể chất thường đi kèm với bạo hành tinh thần và bạo hành tình dục. Họ kể:
“Anh trai thường vừa lăng mạ vừa đánh đập tôi.”
“Anh trai tôi thường dụ tôi làm những chuyện bậy bạ và nếu tôi từ chối sẽ bị đánh cho đến khi nào đồng ý mới thôi.”
“Tôi còn nhớ về những bạo hành trên cơ thể mình – đánh đập, bóp cổ, đập đầu tôi vào đồ đạc, xé quần áo tôi – mà anh tôi làm để ép tôi quan hệ tình dục.”

     Các dạng bạo hành thể chất:
     Nạn nhân chia sẻ về những bạo hành thể chất họ trải nghiệm, có thể được chia làm ba dạng:   
    a. Dạng thông thường – vd: đánh đập, cắn, tát, xô đẩy và đấm

“Anh tôi luôn rủ tôi phải chơi đấu vật mỗi ngày, thường đấm vào bụng tôi cho đến khi tôi không thể thở nổi, vặn xương khớp, cổ tay và đầu gối, nhổ nước bọt vào tôi, dùng đầu gối đè lên cẳng tay tôi, đè tôi xuống đất và đấm vào ngực”

“Một bất đồng nhỏ có thể phun trào thành bạo lực, khi tôi không chịu làm theo lời anh tôi hoặc không chịu đồng ý với anh ấy. Tôi bị đánh, đá, tát. Tôi chưa bao giờ bị thương nghiêm trọng lắm, nhưng tôi vẫn luôn sợ những trận nổi giận của anh trai. Tôi biết có gì đấy không đúng, nhưng hồi ấy tôi không nghĩ rằng như vậy là bạo hành. Tôi đã phải xóa hết những kí ức ấy khỏi đầu mình suốt thời gian dài, và đến bây giờ một số kí ức vẫn chưa được hồi phục lại.”

    b. Dạng bất thường – vd: thọc lét
“Tôi bị anh trai thọc lét không thương tiếc. Bộ phận nào cựa quậy là anh tôi đè xuống. Tôi bị anh bịt miệng khi khóc hay kêu cứu. Tôi giựt tóc anh tôi, nghĩ làm thế anh tôi sẽ dừng, nhưng lại bị anh tôi giựt tóc lại.”
“Anh chị tôi thường đè tôi xuống và thọc lét cho đến khi tôi khóc. Họ cho đấy là một trò chơi vui và thường làm khi bố mẹ không ở nhà. Khi thả tôi ra, họ sẽ cười chế nhạo tôi là ‘đồ mít ướt’.”
​

   c. Dạng gây thương tổn hoặc đe dọa tính mạng – vd: làm ngộp thở, bóp cổ và bắn vào người bằng súng BB (súng thay đạn bằng bi kim loại)
“Anh cả tôi thường dùng cánh tay xiết chặt ngực tôi và không cho tôi thở, trong khi tôi phải tự nhìn mình trong gương khi anh ta cười và giải thích tôi sắp chết như thế nào.”

“Anh tôi thường bịt mặt tôi bằng gối, đến mức tôi suýt chết. Anh to gấp đôi tôi và rất khỏe. Một lần tôi ngất đi và tỉnh lại thấy anh tôi đang làm hô hấp nhân tạo cho mình.”

“Anh tôi bắt tôi chui vào túi ngủ, và nắm chặt đầu ra khiến tôi không có không khí để thở. Khi nhận ra mình không thể chui ra ngoài, tôi đột nhiên hoảng loạn và nghĩ mình sắp chết. Ngay cả khi đang viết những dòng này, tôi cũng bị kéo về thời điểm ấy và vẫn có những cảm giác y như lúc ấy. Lớn lên, tôi mặc bệnh sợ không gian chật hẹp và luôn hoảng loạn khi bị che mặt.”

“Anh tôi nhiều lần cố dìm tôi chết đuối ở bể bơi và sau đấy lại cười đùa về chuyện đấy. Anh tôi chỉ dừng lại khi tôi đã đủ khỏe để thoát và đã biết bơi.”

     2. Bạo hành tinh thần

“Những cái tên do chị gái mình đặt cho, đến bây giờ, vẫn làm tôi thấy đau mặc dù đã trưởng thành.”
Trẻ em khi bị trêu chọc thường đáp lại bằng câu: “Sticks and stones may break my bones, but words will never hurt me”. (Tạm dịch: “Gậy và đá thì còn gãy xương, chứ từ ngữ thì chẳng gây hề hấn gì.”). Câu này ý muốn nói chỉ đánh đập mới gây tổn thương, còn “ném đá” thì không. Nhưng có đúng như vậy không? Những câu chuyện của nạn nhân phủ nhận quan niệm sai lầm này.

Bạo hành tinh thần rất khó nhận biết. Chúng không để lại bằng chứng trên cơ thể vết trầy xước, vết thương, bầm tím, hay dấu vết trên quần áo, như bạo hành thể chất và tình dục. Việc anh chị em trêu chọc và sỉ nhục lẫn nhau, mặc dù không vừa lòng cha mẹ, nhưng vẫn thường được xem là những hành vi bình thường, được giải thích như là anh em/chị em tị nạnh nhau.

Khi cha mẹ thờ ơ hoặc không chú ý đến bạo hành tinh thần giữa anh chị em, nạn nhân nhận được thông điệp rằng: đây hẳn không phải là bạo hành. Nạn nhân vì thế có xu hướng phủ nhận sự nghiệm trọng của vấn đề.

   Các dạng bạo hành tinh thần
Sáu dạng bạo hành tinh thần thường thấy bao gồm: đặt tên, chế giễu, sỉ nhục, dọa nạt, phá hoại đồ dùng cá nhân và tra tấn thú nuôi của nạn nhân. Ba dạng đầu – đặt tên, chế giễu, và sỉ nhục – cũng thường được gọi chung là “trêu chọc”.

   a. Đặt tên
Dạng bạo hành tinh thần phổ biến nhất là đặt tên. Các tên gọi thường tập trung vào một đặc điểm nào đó của nạn nhân, ví dụ cân nặng, chiều cao, ngoại hình, trí tuệ, khả năng thực hiện một kĩ năng nào đó. Chẳng hạn, nạn nhân bị gọi là “đồ phì nộn” hay “bánh cuộn” vì cân nặng, hoặc “con rắn” hay “con cá sấu” vì da khô.

“Khi tôi lên 6, mẹ tôi nhận ra là tôi phải đeo kính. Trong suốt vài năm sau đó, các anh trai bảo trông tôi thật xấu xí và nhạo tôi bằng đủ thứ tên dùng để khẳng định điều đấy”.

“Hồi bé, tầm 7 hay 8 tuổi, tôi là một đứa nặng kí. Anh tôi gọi tôi là “Con bò”. Anh tôi có nhiệm vụ ghi tên các em vào tất để phân biệt. Trên tất của tôi, anh tôi vẽ mặt con bò. Mỗi lần tôi phạm sai lầm gì, anh tôi lại biến đấy thành cơ hội để nghĩ ra cái tên mới, dùng cho cả mấy năm. Một lần tôi mặc lộn một cái áo dây phức tạp và mặc nó theo chiều ngang. Thế là tôi có tên “cô gái đi ngang”. Anh tôi gọi tôi bằng một từ Tây Ban Nha mà tôi biết có nghĩa là “con điếm”. Mỗi sai lầm đều phải trả giá cả đời.

   b. Chế giễu
Chế giễu được cho là trò chơi vui với một vài trẻ, nhưng với nạn nhân thì chỉ là những kí ức đau đớn. Khi chế giễu, người bạo hành diễn tả sự kinh thường nạn nhân, chủ yếu để lấy nạn nhân ra làm trò cười.

“Chị tôi xúi bạn bè cùng hát những bài hát về việc tôi xấu xí như thế nào.”
“Tôi bị các anh mình trêu chọc về chuyện sinh lí khi đang dậy thì. Việc tôi mặc bra và nhét bông vào trong bị lôi ra làm trò cười. Khi bắt đầu hành kinh, tôi phải giấu Kotex đã dùng vào trong đài để không bị họ trêu chọc.”

   c. Sỉ nhục
Một dạng bạo hành tinh thần khác là sỉ nhục. Nạn nhân bị anh chị em mình cho là “vô dụng” và “chẳng được nét gì tốt”. Nạn nhân cảm thấy kiệt sức và sụp đổ khi bạo hành diễn ra và cả khi đã trưởng thành, đặc biệt nếu cha mẹ không can thiệp, hoặc thậm chí còn hùa vào.

“Khi ấy tôi khoảng 5 tuổi, bố tôi cằn nhằn vì tôi không biết buộc dây giày. Nhưng chẳng ai dạy tôi cách phải buộc dây giày thế nào. Anh tôi bắt đầu cười nhạo tôi, bảo tôi đúng là đần độn khó dạy, và tôi không phải em gái của anh ấy. Anh tôi bảo bố mẹ tìm thấy tôi ở trong thùng rác, thấy tội nên mang tôi về nhà nuôi. Anh tôi ước gì tôi biến về thùng rác.”

Những trẻ em sỉ nhục anh chị em hoặc bạn bè thường không nhận ra đây là hành vi bạo hành, có thể gây tổn thương cho người khác. Nạn nhân cũng thường giả bộ như những lời sỉ nhục không làm ảnh hưởng gì đến mình.

“Họ chẳng thèm nghĩ nhiều về chuyện ấy, hoặc nghĩ là làm như thế chẳng hại ai. Mọi người đều phủ nhận những bằng chứng về sự đau khổ và chứng trầm cảm của tôi.”

Tuổi thơ là thời điểm mà trẻ hình thành sự tự tin và lòng tự trọng. Đáng tiếc là tương tác với chúng bạn, anh chị em ở trường và trong những trò chơ thường không khích lệ sự tự tin ở trẻ. Việc trẻ xúc phạm nhau trở nên quá thông thường đến mức cha mẹ và thấy cô cũng coi đấy là những hành vi chấp nhận được. Khi cha mẹ không can thiệp, cả người bạo hành và nạn nhân đều chắc chắn hơn rằng những hành vi bạo hành là xứng đáng. Bạo hành sẽ tiếp diễn cho đến khi một bên can thiệp.

   d. Doạ nạt
Người bạo hành sẽ lợi dụng những nỗi sợ mà nạn nhân có sẵn, chẳng hạn như sợ bị lạc, sợ bóng tối, hoặc sợ người lạ, để doạ nạt nạn nhân và bắt nạn nhân làm theo ý mình. Đây có thể là do trẻ học theo bố mẹ mình, vì một số phụ huynh thường ép con cái làm theo ý mình bằng cách doạ nạt (vd: doạ đánh, doạ phạt).

“Tôi nhớ rất rõ, chị tôi, hơn tôi 7 tuổi, luôn giả bộ gọi điện cho một người đàn ông - “Ông Krantz". Chị tôi bảo ông ấy là giám đốc một viện chuyên dành cho “trẻ hư" và chị tôi sẽ gửi tôi vào đấy, đuổi tôi khỏi nhà. Tôi đã sợ run người.”

“Các anh chị dẫn tôi và em gái vào cánh đồng để hát dâu. Chúng tôi nghe thấy tiếng chó sủa, anh chị bảo đấy là bọn chó hoang, và họ dọa sẽ chạy về trước để mặc chúng tôi tự tìm đường về. Lúc ấy chúng tôi mới có 5,6 tuổi và không biết đường về nhà.”

   e. Phá hoại đồ dùng cá nhân
Vật dụng của trẻ - như xe đạp, đồ chơi và quần áo - đều vô giá và có ý nghĩa đặc biệt với chúng. Ai cũng nhớ đồ chơi, cuốn sách hay cái chăn yêu thích của mình khi còn nhỏ. Chúng ta nhiều khi vẫn còn giữ những vật này khi đã lớn. Người bạo hành có thể dùng những vật dụng được nâng niu này như dùng cụ ngược đãi.

“Tôi nhớ lần đầu tiên bị bạo hành khi lên 4. Anh tôi tháo dỡ xe đạp 3 bánh của tôi và giấu đi một vài bộ phận để xe không thể được lắp lại như cũ. Đấy là chiếc xe tôi rất yêu, mà tôi ngày nào cũng đạp đi chơi. Tôi rất đau khổ vì mất đi chiếc xe, và vì nhìn thấy anh mình hả hê khi không bị trừng phạt.”

“Anh tôi thường cắt mắt, tai, miệng và ngón tay của những con búp bê và rồi trả lại cho tôi từng bộ phận.”

“Chị tôi thường phá hoại đồ đạc của tôi, cắt quần áo của tôi cho vừa với mình và dọa sẽ tiếp tục nếu tôi không làm bài tập cho chị.”

   f. Tra tấn thú nuôi
Mặc dù tra tấn thú nuôi đề lại những sang trấn cho trẻ tương tự như khi đồ đạc của trẻ bị phá hoạt, nhưng hành vi này còn lạm dụng sinh mạng của động vật, thể hiện sự tàn nhẫn ở một mức độ cao hơn.

“Anh hai tôi đã bắn chết chú chó tôi rất yêu. Chú con chỉ yêu mỗi mình tôi. Tôi đã khóc bên mộ của nó nhiều ngày liên tục. Hai mươi năm sau đấy tôi mới dám nuôi chó thêm một lần nữa.”

“Anh tôi lôi con ếch của tôi ra và đâm nó đến chết trước mặt tôi, trong khi tôi van xin anh đừng làm thế. Rồi anh ấy chỉ cười rộ lên.” 

   3. Bạo hành tình dục 

Phụ huynh thường đáp lại cụm từ “bạo hành tình dục" bằng câu “Chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra ở nhà tôi", hoặc “Chuyện này chỉ có thể xảy ra ở những gia đình có vấn đề mà thôi.” Nhưng nghiên cứu về bạo hành tình dục cho thấy quan niệm này không hề chính xác.

Người ta cũng thường cho rằng kẻ lạm dụng tình dục trẻ là người lớn, và thường là những người lớn gần gũi với trẻ. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy quan hệ tình dục giữa anh em có thể phổ biến gấp 5 lần loạn luân giữa cha và con gái (*).

Bạo hành tình dục thường đi kèm với bạo hành thể chất và bạo hành tinh thần. Nạn nhân thường bị đe dọa sẽ bị đánh hoặc thậm chí bị giết nếu mách bố mẹ.

“Anh tôi doạ sẽ giết nếu kể cho bố mẹ về những vụ đụng chạm. Khi ấy tôi khoảng 3,4 tuổi và anh tôi 18 tuổi. Anh tôi cho tôi xem cái thớt mổ thịt trên gác xép, cùng với cái rìu và máu. Anh tôi bảo sẽ giết tôi ở đấy nếu dám mách ai.”

Người bạo hành cũng chế nhạo và sỉ nhục nạn nhân vì đã để cho mình quan hệ tình dục. Một nạn nhân từng bị anh trai hơn mình 10 tuổi lạm dụng tình dục khi 3,4 tuổi, kể lại:

“Sau này khi tôi tầm 7, 8 tuổi, anh tôi thường trêu chọc tôi, hỏi ‘mày còn trinh không?’, và cười nhạo tôi khi tôi trả lời ‘không'. Tôi cảm thấy rất nhục nhã.”

Nạn nhân được phỏng vấn trong nghiên cứu này cho biết 5-7 tuổi là khoảng thời gian mà vụ lạm dụng tình dục đầu tiên thường xảy ra. Đây là kí ức xa nhất mà nạn nhân còn nhớ được, và lạm dụng có thể xảy ra sớm hơn thế. Một số nạn nhân nói rằng mình từng bị lạm dụng khi còn là trẻ sơ sinh, mặc dù không nói rõ làm cách nào họ nhận thức được.

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng trẻ con sẽ bắt đầu có những hành vi tình dục khi đến tuổi thiếu niên, chứ không phải độ tuổi 4 hay 5. Cha mẹ thường nghĩ con cái của mình không có hứng thú hoặc kiến thức gì về tình dục ở độ tuổi nhỏ như vậy. Mặc dù trẻ có thể chưa trưởng thành về mặt sinh lí hay có hứng thú với tình dục, một đứa trẻ ở độ tuổi này hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục.

“Khi tôi khoảng 3 tuổi, tôi nhớ anh cả nằm trên giường với mình và bắt đầu sờ soạng tôi ở những chỗ tôi biết là không nên."

“Bắt đầu từ năm 3 tuổi, anh trai tôi bắt đầu vuốt ve tôi, rồi qua từng năm đã từ từ phát triển đến việc giao cấu. Lần đầu là khi tôi 9 hoặc 10 tuổi, và cứ tiếp tục cho đến khi tôi 15 tuổi, khi tôi chạy trốn khỏi nhà và trở thành gái mại dâm.”

Những xâm hại trong nghiên cứu này thường là anh chị lớn hơn nạn nhân từ 3 đến 10 tuổi. Nạn nhân trở thành đối tượng có lẽ vì đã không được trang bị kiến thức vì cách phòng tránh xâm hại tình dục. Trong nhiều trường hợp, những dấu hiệu quấy rối tình dục nhỏ khi không được ngăn chặn để đã phát triển thành nhiều dạng xâm hại tình dục. Nhiều bi kịch có lẽ đã không xảy ra nếu nạn nhân biết cách nói ‘không' và tự bảo vệ - Đây không phải là một câu nói nhằm đổ lỗi cho nạn nhân, và là để cảnh tỉnh bậc cha mẹ hãy trang bị trong con cái kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục sớm hơn, và đề phòng lạm dụng ngay cả với những thành viên trong gia đình.

“Khi tôi 7 tuổi, anh tôi dắt tôi vào rừng khi mẹ đang đi làm. Anh tôi sờ soạng ngực tôi, âm hộ tôi, sau đấy bắt tôi vào sờ vào dương vật của anh ta. Sau khi xong việc, anh tôi bảo “Nếu mày nói với ai thì tao giết!” Tôi tin lời anh và cảm thấy sợ hãi vô cùng, mặc dù chẳng hiểu còn không hiểu là anh tôi đang làm gì. Với tôi những chuyện ấy chỉ như sờ tóc.”

Xâm hại tình dục giữa anh chị em có một điểm khác với trường hợp người lớn xâm hại trẻ. Người bạo hành lớn tuổi thường nói với nạn nhân rằng nạn nhân đặc biệt, rằng chuyện quan hệ tình dục là một bí mật nạn nhân không được nói với ai. Xâm hại giữa anh chị em thì thường đi kèm với những lời dọa nạt. Nạn nhân bị doạ đánh, hoặc thậm chị giết.

Nhiều nạn nhân còn kể rằng trong những vụ bị xâm hại đầu tiên, họ thường bị gia đình đổ lỗi. Họ vì thế cũng đổ lỗi cho mình khi bị xâm hại.

“Tôi khi ấy khoảng 8 tuổi. Mẹ tôi và cha dượng đi ra ngoài vài tiếng, và anh tôi bảo muốn bắt chước làm trò mà anh ấy thấy người lớn hay làm. Anh tôi cởi váy tôi và bắt đầu hôn hít và sờ mó tôi. Anh tôi nằm trên người tôi và cọ xát người mình và người tôi để bắt chước việc giao cấu. Vụ này diễn ra được tầm 1 tiếng, thì mẹ tôi về và bắt gặp. Và như một chuyện thường thấy trong nhà tôi, mẹ tôi chẳng nói gì với anh tôi, mà chỉ đổ hết tội lỗi lên đầu tôi.”

“Khi tôi 4,5 tuổi, anh cả tôi sẽ quan hệ tình dục bằng miệng với tôi, và bắt tôi phải chiều những người bạn lớn tuổi hơn của anh ấy. Họ dọa nạt tôi bằng bạo lực, bắt tôi không được mách bố mẹ. Anh tôi cho tôi xem tranh ảnh đồi truỵ, dắt những bé gái đến nhà, và ép tôi phải diễn những trò chơi tình dục. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, không khả năng tự kiểm soát. Tôi cảm thấy thấp kém, tệ hại và như có điều gì đấy rất hỏng hóc và sai trái ở mình. Tôi đã nghi ngờ liệu mình còn có thể có được một đời sống tình dục bình thường, nghĩ mình là đồng tính và đã phát điên. May mắn là khi tôi 13 tuổi, bà tôi phát hiện ra việc xâm hại và trở thành người bảo trợ hợp pháp của tôi. Cha mẹ tôi vô cùng sẵn lòng nhường quyền nuôi dạy vì họ cảm thấy tôi kì quái và nghĩ rằng tôi đã khơi mào những hoạt động tình dục ấy.”

Nhiều độc giả có thể cho rằng sự động chạm giữa anh chị em là sự tò mò về tình dục và giới tình của trẻ. Tò mò về tình dục ở trẻ là có thật. Vậy làm thế nào để phân biệt giữa sự tò mò bình thường và lạm dụng?

Nhiều trường hợp xâm hại bắt nguồn từ sự tò mò. Khi trẻ bắt đầu khám phá cơ thể mình và đôi khi của anh chị em, nếu nhận được sự hướng dẫn từ người lớn, trẻ sẽ phân biệt được giữa tốt và xấu, lành mạnh và không lành mạnh. Tuy nhiên, nhiều người lớn cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với trẻ về giới tính và tình dục, và thường giả bộ như đây là không phải là một phần của cuộc sống. Phụ huynh cần phải chủ động hơn trong việc giáo dục giới tính cho con cái, dạy con cái phân biệt giữa những động chạm trong phạm vi được chấp nhận và những động chạm lén lút, và tạo bầu không khí cởi mở trong gia đình để con cái có thể thoái mái nói chuyện và đặt câu hỏi về giới tính và tình dục.

    4. Ngăn chặn bạo hành giữa anh chị em
​

Một số điều cha mẹ có thể làm để ngăn chặn bạo hành thể chất, tinh thần và tình dục giữa con cái:
  • Trang bị cho mình kiến thức về bạo hành giữa anh chị em và những cách bạo hành có thể xảy ra
  • Lắng nghe con cái; tin lời con cái. Trẻ có thể đang cố gắng truyền đạt rằng mình đang bị bạo hành
  • Tìm cách giám sát con cái tốt trong những lúc cha mẹ vắng mặt
  • Tạo ra không khí thoải mái trong nhà để con cái có đủ kiến thức về tình dục và có thể đặt những câu hỏi về tình dục và giới tính nếu gặp vấn đề khúc mắc
  • Dạy cho trẻ biết về quyền sở hữu cơ thể mình và phân biệt giữa những động chạm tốt và xấu, và cách nói không với sự động chạm xấu
  • Tìm giúp đỡ từ chuyên gia nếu phát hiện bạo hành giữa anh chị em xảy ra trong nhà
  • Ngăn cấm những hành vi bạo lực trong nhà
  • Khen thưởng khi anh chị em đối xử tốt với nhau

Tác giả: Thanh Hà 
Họa sĩ: Shell 

Nguồn: Dịch lược và viết theo Chương 1, Chương 2, Chương 3, Chương 4 và Chương 9 trong Sibling Abuse: Hidden Physical, Emotional, and Sexual Trauma (Tác giả: Vernon R. Wiehe)
(*) Sex Offenders. (Tác giả: Cornelia Christenson, John Gagnon, Paul Η. Gebhard, and Wardell Pomeroy)

0 Comments



Leave a Reply.

    Picture
    Thạch nam trắng - loài hoa của sự bình phục và đạt được ước mơ.
Powered by Create your own unique website with customizable templates.