Hãy lưu ý rằng, “người bạo hành” (abuser) ở đây được áp dụng với mọi giới tính, đối tượng trong mọi loại quan hệ xã hội (tình yêu, tình bạn, gia đình,…). Liệu “bạo hành” và “thay đổi” có thể đứng chung một câu? Hãy đối diện một sự thật, dù khá đau lòng, rằng khi một người bạo hành nói lên câu “Tôi muốn thay đổi”, họ sẽ phải đối mặt với vô vàn sự nghi vấn. Liệu họ có thay đổi hành vi? Họ có đủ quyết tâm không? Sự thay đổi ấy sẽ kéo dài trong bao lâu? Và quan trọng hơn hết, TẠI SAO? Có lẽ không có câu trả lời nào thật sự chính xác và thỏa đáng cho câu hỏi tại sao một người bạo hành muốn thay đổi. Đôi khi, một người thích kiểm soát người khác lại có biến chuyển thật sự trong suy nghĩ và muốn chấm dứt hành vi trên. Đôi khi vì họ hối hận khi đã tổn thương người mình yêu. Hoặc có thể họ đã quá chán nản việc điều khiển người khác, luôn đắm chìm trong sự giận dữ, ghen tức của bản thân và nỗi ám ảnh hay căm ghét từ người khác. Những mối quan hệ như những sợi tơ mỏng manh trong tay họ, lần lượt bị cắt đứt bởi thói quen bạo hành. Vì thế, có lẽ, dù bản năng của họ mong muốn điều ngược lại, bắt đầu thay đổi là cách tốt nhất để họ có thể nối liền lại những sợi tơ đã đứt ấy. Nhưng dấu chấm hỏi quan trọng hơn cả không phải là “Tại sao?”, mà là “Làm thế nào?”. Nếu bạn, người đang đọc bài viết này, là một người bạo hành mong chờ để thay đổi, thì sau đây là một số gợi ý đáng xem xét. Mặt khác, nếu bạn là một trong những người với những nghi vấn nêu trên, hãy dành ít thời gian để đọc hết danh sách nhỏ này nhé. Vì biết đâu, thắc mắc của bạn sẽ ít nhiều được giải đáp. 1. Tự nguyện: “Để một người có thể thay đổi, cần có một khao khát thay đổi lớn lao của chính anh ta." - nhà trị liệu Mark Tyrrel đã viết như thế trong tác phẩm In an Abusive Relationship? Help Yourself Today [1]. Như vậy, việc thay đổi hành vi bạo hành, tuy rất khó, nhưng hoàn toàn có thể. Và yếu tố quan trọng nhất không phải là ý muốn của người bị ngược đãi, mà chính là sự tự nguyện của bản thân người ngược đãi. Bạn có muốn thức dậy vào 1 năm sau, cảm thấy rằng mình vẫn đang trăn trở với những vấn đề cũ, vẫn làm tổn thương người khác như 1 năm trước? Nếu bạn trả lời không, tức là bạn đã có mong muốn thay đổi! Nhưng để thay đổi tâm lý bạo hành cần nhiều hơn là một ý muốn nhất thời. Tương tự như cay nghiện rượu bia, thuốc lá hay ma túy, người bạo hành cần có một quyết tâm sâu sắc để trải qua những khó khăn của quá trình trị liệu. Hãy nhớ nhé: quyết tâm sẽ dẫn đến thành công. Bạn phải thay đổi vì chính lợi ích bản thân bạn chứ không chỉ để níu giữ người khác trong cuộc đời bạn. Hơn hết, vì thay đổi bản chất là rất khó, và đôi lúc bạn sẽ muốn biện minh cho cái sai của mình và từ bỏ, nhưng bằng cách quyết tâm và giữ vững quyết định rằng mình tự nguyện thay đổi, bạn đã có nền móng vững chắc cho hành trình của mình 2. Nhận ra những dấu hiệu nói lên rằng mình đang làm tổn thương những người xung quanh: Hãy tự hỏi bản thân xem mình có rơi vào những trường hợp thường thấy trong một mối quan hệ không lành mạnh hay không. Bạn có thường xuyên thấy tức giận vô cùng khi người khác không làm theo ý bạn? Bạn có nổi điên trước những lỗi vô cùng nhỏ nhặt của người yêu? Bạn có hay kiểm tra tin nhắn, hỏi xem những người xung quanh bạn đi đâu, làm gì hay không? Bạn có thể hiện sự nóng giận bằng những lời chửi bới, đe dọa hay thậm chí là vũ lực? Còn về phần đối tượng xung quanh bạn, họ có những biểu hiện như: sợ bạn, không dám cãi lại bạn, hạn chế tiếp xúc nhiều với bạn hay hạn chế các mối quan hệ xã hội của họ đế tránh phật lòng bạn không? Nếu bạn trả lời “có” với phần lớn các câu hỏi trên, bạn đích thị là một người có hành vi mang xu hướng bạo hành. Nhưng đừng lo, mục tiêu của bài viết này là để giúp đỡ bạn. Vì thế nên hãy đọc tiếp mục sau đây nhé. 3. Gánh lấy trách nhiệm Trong mọi trường hợp, con người chỉ sửa sai khi ta biết mình sai. Tương tự như thế, để có quyết tâm thay đổi, người bạo hành cần hiểu một điều chính yếu: bạo hành là một lựa chọn của bản thân người bạo hành và không nguyên nhân nào khác có thể biện minh cho hành vi này. Nếu bạn không thừa nhận trách nhiệm cho hành vi bạo hành của mình, dù là về thể xác (violence) hay cưỡng chế tinh thần (coercive control), thì không bao giờ bạn có thể tìm được ý chí để thay đổi. Bạn có quyền điều khiển ngôn ngữ và hành vi của bản thân. Một khi bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình cũng như chấp nhận hậu quả thì xin chúc mừng, bạn đã có một bước tiến đáng kể trong quá trình #ngưng _bạo _hành của bản thân. 4. Chấp nhận giúp đỡ từ người khác: Những đối tượng của bài viết này cũng nên lưu ý một điều: chấp nhận giúp đỡ không đồng nghĩa với việc bạn không thể thay đổi thói quen ngược đãi chỉ bằng sức mạnh của ý chí của chính mình. Nhưng nó hẳn sẽ giúp bạn đỡ được phần nào gánh nặng về tinh thần, cũng như giúp bạn có một cái nhìn khách quan về tình trạng và tiến trình của mình. Phải, quyết tâm là một yếu tố quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Như đã nói trên, đây là một hành trình gian nan, và bạn nên cân nhắc về việc tìm người đồng hành với bạn. Tìm kiếm sự giúp đỡ không thể hiện sự yếu đuối, mà ngược lại, nó biểu hiện sự kiên trì và ý chí của bạn trong hành trình thoát khỏi bạo hành. Bạn có quyền tìm kiếm và nhận được sự động viên, hỗ trợ từ mọi phương diện, vì bạn đang lựa chọn một hướng đi đúng. Ta luôn có thể nhận sự hỗ trợ tinh thần từ bạn bè, người thân,... Nếu đó không phải là một lựa chọn phù hợp, hãy tìm đến các “nhóm can thiệp/ngăn chặn hành vi bạo lực” (batterer intervention group) để nhận sự giúp đỡ từ cộng đồng, và thậm chí từ kinh nghiệm của những người đã từng ở vị trí của bạn. Hãy luôn nhớ rằng, trong bất kì hoàn cảnh nào: bạn không đơn độc! 5. Yêu là tôn trọng lẫn nhau Và cuối cùng, không kém phần quan trọng nữa, đó là người bạo hành (hoặc có tính kiểm soát) cần tôn trọng người mình yêu thương. Bắt đầu từ những việc nhỏ như tôn trọng tự do cá nhân (không xem tin nhắn, không gặng hỏi công việc riêng…) chẳng hạn. Bạn cần phải chấp nhận rằng người thân, bạn bè, người yêu của bạn đều là những cá thể độc lập với những sở thích, nhu cầu riêng. Vì thế, bạn không nên can thiệp vào những quyền cá nhân của họ như việc họ chọn bạn bè thế nào, giao tiếp với ai, tỏ thái độ ra sao với bạn…Họ có quyền làm những gì họ thích, và bạn không có quyền lớn tiếng, đe dọa hay thậm chí dùng vũ lực để can dự vào đời sống của họ, dù mối quan hệ giữa bạn và người đó là gì. Thứ hai, cần tôn trọng giới hạn của đối tượng mình giao tiếp. Họ có quyền cãi lại, có quyền không nghe, không thỏa mãn ý muốn của bạn, và bạn phải chấp nhận những cái “không” của họ, không thúc ép hơn. Nếu người yêu của bạn đòi chia tay, hãy tôn trọng họ. Dùng bạo lực để kiểm soát bạn đời và níu kéo mối quan hệ chỉ tổ làm mọi việc tệ thêm thôi. Và cuối cùng, hãy phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và quan hệ chiếm hữu. Đừng vì những lí do vô cớ như ghen tuông, muốn chiếm hữu, mặc cảm cá nhân,…mà khiến cho người yêu của mình khổ sở, có được không? Trên đây chỉ là một số gợi ý về những cách có thể giúp người có xu hướng bạo hành thay đổi. Tuy không ai có thể chắc rằng bạn có tạo nên sự khác biệt được hay không, NHƯNG, hãy để khi nhìn lại, bạn có thể thấy rằng bạn đã nỗ lực rất nhiều. Thế nên, vì mình và những người mình yêu thương, hãy bắt đầu hành trình gian nan này nhé. Writer: Thi Thơ Artwork by satoshii (model: Keaton Henson) ------ * Chú thích: [1] Tác giả dùng đại từ nhân xưng “anh ta” để chỉ khái quát tất cả người bạo hành, tuy nhiên chúng ta cần hiểu rõ không phải giới hạn người bạo hành chỉ toàn là nam giới. [2]http://www.huffingtonpost.com/lisa-aronson-fontes-phd/do-abusive-men-change_b_7746994.html Các nguồn khác http://www.loveisrespect.org/for-yourself/can-i-stop-being-abusive/ https://www.domesticshelters.org/domestic-violence-articles-information/can-he-change#.WOoLBEi6zIX http://www.thehotline.org/2013/09/is-change-possible-in-an-abuser/
0 Comments
Leave a Reply. |