Bạo hành là việc đối xử với người hay con vật một cách tàn nhẫn, bạo lực thường xuyên và lặp đi lặp lại. Bạo hành xảy ra với một mục đích chính, đó là đem lại quyền lực và lợi ích cho người bạo hành.
Bạo hành có thể được chia ra thành 2 dạng chính, đó là bạo hành về mặt thể chất và bạo hành về mặt tâm lý. 1. Bạo hành về mặt thể chất (Physical abuse) Bạo hành về mặt thể chất có thể được xem là những hành vi có chủ ý gây chấn thương về mặt thể xác hay tinh thần của nạn nhân. Một số hành vi cụ thể là đánh đập, bóp cổ, xô đẩy, nắm đầu, đá,…v…v Ngoài ra, các hành vi đấm vào tường, cửa, đập phá các vật dụng xung quanh cũng được xem là bạo hành về mặt thể chất. Bạo hành về mặt tình dục (Sexual abuse) được xem là một dạng phức tạo hơn của bạo hành về mặt thể chất. Bạo hành tình dục là tất cả các hành vi thao tóm hay bắt ép đối tác thực hiện những việc mang tính gợi dục, được thực hiện để có được quyền lực và sự kiểm soát đối với nạn nhân. Không chỉ là những hành vi xâm phạm thân thể, bạo hành về mặt tình dục còn bao gồm những hành vi hạ nhục nạn nhân, làm cho nạn nhân cảm thấy xấu hổ, yếu đuối, đặc biệt là với cơ thể, cách thức quan hệ (sexual performance), và xu hướng tính dục (sexuality) của mình. 2. Bạo hành về mặt tâm lý/ tinh thần (Psychological / Mental abuse) Bạo hành về mặt tâm lý/ tinh thần là việc sử dụng từ ngữ, giọng điệu, các hành vi nhạo báng hay sự thờ ơ để kiểm soát, làm tổn thương, hay xúc phạm một người nào đó. Bạo hành về mặt tâm lý cho phép kẻ bạo hành kiểm soát nạn nhân, có thể khiến nạn nhân tin rằng họ xứng đáng bị đối xử tệ bạc và không thể sống thiếu kẻ bạo hành của mình. Các hành vi bạo hành tâm lý bao gồm la hét, chửi mắng nạn nhân (bạo hành bằng lời nói), cố tình phớt lờ nạn nhân, lảng tránh các cuộc hội thoại nghiêm túc, cô lập nạn nhân, bôi nhọ nạn nhân trước công chúng,…v…v Ngoài bạo hành bằng lời nói như được nhắc đến ở trên, bạo hành về mặt tài chính và bạo hành về phẩm giá cũng được xem là những dạng khác của bạo hành về mặt tâm lý: 3. Bạo hành về mặt tài chính: Đối với bạo hành người lớn tuổi, bạo hành về mặt tài chính có thể là sử dụng tiền, quỹ bảo trợ của nạn nhân cho việc riêng. Đối với người yêu, bạo hành về mặt tài chính có thể là lấy giữ tiền của nạn nhân, bắt nạn nhân phải báo cáo với mình về bất cứ khoản chi nào của họ, cố tình tạo khó khăn để người yêu không thể có việc làm và phải phụ thuộc vào mình. 4. Bạo hành về phẩm giá: Bạo hành về phẩm giá (Identity abuse) là việc sử dụng những đặc tính cá nhân để hạ thấp, thao tóm và điều khiển nạn nhân. Có thể nói đó là việc khiến cho nạn nhân cảm thấy tủi nhục về chính con người của mình. Nếu nạn nhân là người lớn tuổi, bạo hành về phẩm giá có thể là những lời nói cho rằng họ quá già để suy nghĩ thông suốt, rằng họ già vô dụng nên là gánh nặng cho xã hội. Nếu nạn nhân là nữ giới, các hành vi bạo hành này có thể là “đàn bà mà biết gì, để tôi lo”. Đối với người khuyết tật, kẻ bạo hành có thể khiến cho nạn nhân tin rằng do họ khuyết tật nên họ không thể làm gì nên người, do họ khuyết tật nên ngoài kẻ bạo hành ra sẽ không ai yêu thương và chăm sóc cho họ. Với mỗi nạn nhân với những xuất thân khác nhau, các hành vi bạo hành về phẩm giá sẽ khác nhau. Ngoài ra, sự bỏ mặc, thờ ơ cũng có thể được xem là một cách để bạo hành. Đối với trẻ em, người già hay người tàn tật phụ thuộc, việc bỏ đói, không tắm rửa, bỏ cho phòng, chỗ ở của họ đầy bụi bậm và chuột gián, hay không cho họ gặp bác sĩ khi họ cần,…v…v có thể được xem là bạo hành. Đối với người yêu, việc cố tình phớt lờ để thao tóm nạn nhân có thể được xếp vào mục bạo hành về mặt tâm lý/ tinh thần. Bạo hành có thể xảy ra với tất cả mọi người, bất kể giới tính, màu da, xu hướng tình dục, tuổi tác, địa vị, vv…. Dựa vào đối tượng nạn nhân, bạo hành có thể được chia ra thành bạo hành trẻ em, bạo hành gia đình, bạo hành người lớn tuổi, bạo hành trong cộng đồng LGBTQA+,…vv và mỗi nạn nhân với mỗi xuất thân khác nhau có thể phải trải qua những khó khăn, định kiến riêng. ----- Nguồn: http://www.helpguide.org/home-pages/abuse.htm http://au.reachout.com/what-is-emotional-abuse Artwork: "Decaying" by eL Compiler: Đoàn Huỳnh Kim
0 Comments
Leave a Reply. |