Nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông và "50 Sắc Thái": không chỉ đơn thuần là giải trí2/15/2017 Bạo hành và văn hoá đại chúngKhoảng 25%-44% nữ giới từng trải nghiệm bạo lực trong mối quan hệ thân mật, và hứng chịu những hậu quả về sức khoẻ tâm lí và thể chất. Kết cấu xã hội tạo điều kiện cho loại bạo lực này sinh sở nảy nở, trong đó bao gồm sự bình thường hoá và lãng mạn hoá bạo lực trong văn hoá đại chúng (ví dụ như sách truyện, âm nhạc, phim ảnh). Chẳng hạn, video âm nhạc Love the Way You Lie của Eminem và Rihanna, lãng mạn hoá những mối đe doạ về thể chất, tình dục và tình cảm, như chủ ý giết người (đốt nhà), giữa đôi tình nhân. Sự pha trộn những yếu tố bạo hành vào video âm nhạc ngày càng tăng cao, khiến Học viện nhi khoa của Hoa Kì phải đưa lời cảnh báo về sự ảnh hưởng của những hình ảnh bạo lực, thông điệp và định kiến khuôn mẫu về giới tính đến hành vi và quan niệm của khán giả trẻ tuổi. Học giả nữ quyền Dines và DeKeseredy đã phân tích rằng những hình ảnh bạo lực tương tự trong văn hoá phẩm khiêu dâm – như bóp cổ, bịt miệng, đánh đập và dùng dao tra tấn phụ nữ – đã tạo nên những kì vọng không thực tế về tình dục, bao gồm việc áp đặt những hành vi tình dục bạo lực lên người nữ. Trong bài này, tác giả phân tích những dạng hành vi bạo lực trong một trong những bộ tác phẩm nổi tiếng nhất tại phương Tây – Fifty Shades. Các học giả cho rằng độc giả và khán giả thường dịch chuyển và thay đổi những quan điểm và thái độ trong đời sống thực tế của mình sau khi tương tác với những tác phẩm hư cấu. Đặc biệt, những tác phẩm hư cấu càng có ảnh hưởng lớn nếu chúng ta bị thu hút và dồn vào đó nhiều năng lượng nhận thức, như tình cảm và những hình tượng tinh thần. Một trong những bộ tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn hoá thịnh hành, Twilight, bình thường hoá bạo hành trong bối cảnh quan hệ lãng mạn, ví dụ như hành vi bám đuôi, ngược đãi thể chất và tình dục, thao túng tình cảm, hăm doạ và thị oai. Trong Twilight, Edward, "chàng ma ca rồng đẹp tuyệt trần", được miêu tả là một tên bám đuôi bị ám ảnh không có một người bạn trừ gia đình và Bella. Edward thường xuyên sai khiến Bella, quát mắng, nạt nộ và sử dụng những cử chỉ hằn học như tóm tay chân và xô đẩy một cách thô bạo. Một số hành vi kiểm soát cơ thể này đã dẫn đến tổn thương thể chất. Bộ tác phẩm Fifty Shades được quảng bá và tung hô như một phương tiện giải phóng sự biểu thị tình dục phóng khoáng. Bộ tác phẩm miêu tả một mối quan hệ BDSM (bondage/discipline-dominance/submission-sadism/masochism) “lãng mạn” và “nóng bỏng”. Fifty Shades xây dựng những mô hình bạo lực tương tự như những gì từng được phân tích về Twillight và một số tác phẩm khác trong văn hoá đại chúng. Cốt truyện của 50 Sắc Thái xoay quanh sự xung đột giữa những tập tục BDSM và tình cảm lãng mạn. Hình thức BDSM nói chung có thể bao gồm một loạt những hoạt động trong và ngoài phạm vi tình dục, thường mang những yếu tố quyền lực và tổn hại đau đớn, với sự đồng thuận từ cả hai phía. Trong mối quan hệ BDSM đồng thuận, lạm dụng chất gây nghiện sẽ khiến giao kèo đồng thuận mất hiệu lực, sự đàm phán và hợp đồng mang tính nghiêm túc, và những giới hạn cá nhân được tôn trọng. Trong 50 sắc thái, Christian vào vai “người thống trị”, và Anatasia vào vai “người khuất phục”. Trong phạm vi tình dục, Christian dùng quyền lực và sự thâu tóm, như giam cầm và những hình phạt thể chất mà Anastasia vừa thấy sợ vừa thấy hào hứng (phần sau của bài sẽ phân tích Anastasia bị ép buộc vào những hoạt động tình dục này như thế nào). Bên cạnh đó, Christian cũng có ý muốn đàn áp và trừng phạt Anastasia ngoài phạm vi tình dục, thể hiện qua những cảnh trong nhà hàng và qua những trao đổi qua email. Những yếu tố bạo hành trong Fifty Shades of Grey50 Sắc Thái được tung hô như một bản khải hoàn cho nữ giới khi nhân vật Anastasia với những đặc điểm mờ nhạt lại có thể thoả mãn nhân vật “nam thần Hi Lạp” Christian Grey. Mô hình quan hệ tình cảm với những tiêu chuẩn mất cân bằng giữa hai giới này cũng tương tự như mối quan hệ bạo hành trong bộ tác phẩm Twillight, khi nhân vật “đẹp trai hút hồn” Edward nhanh chóng áp đảo và thống trị thiếu nữ Bella khi nàng vui vẻ đón nhận. Sự mất cân bằng quyền lực trong bộ tác phẩm có những tính chất tương ứng với những mối quan hệ bạo lực thâm niên trên thực tế. Hậu quả của mối quan hệ này cũng giống như những gì người nữ bị bạo hành phải trải nghiệm. Sử dụng định nghĩa về Bạo lực trong mối quan hệ thân mật (được đưa ra bởi Trung tâm kiểm soát bệnh dịch Hoa Kì) và khái niệm về hậu quả bạo hành đối với nữ giới (của Paige Hall Smith), phần sau của bài sẽ phân tích: (1) Những điểm tương đồng giữa hành vi của Christian và Bạo lực trong mối quan hệ thân mật, (2) Những điểm tương đồng giữa phản ứng của Anatasia và những phụ nữ bị bạo hành. 1. Những dạng hành vi bạo lực trong mối quan hệ thân mật 1.1. Bạo hành tình cảm và tâm lí Bài sẽ phân tích một số cảnh bạo hành tình cảm, trong mỗi cảnh, nhiều hành vi bạo hành tình cảm cùng xảy ra một lúc, chồng chéo lên nhau, giống như thường thấy trong những mối quan hệ bạo hành. Một chú ý trước khi bắt đầu: Trong khi BDSM có thể bao hàm quyền lực và trừng phạt ngoài phạm vi tình dục, những hoạt động này luôn luôn phải được đồng thuận từ hai phía, và người tham gia đã định trước thủ tục dùng để đàm phán quyền lực trong những trường hợp này. Trong mối quan hệ của Christian và Anastasia, sự đồng thuận và đàm phán công bằng không được chính thức xác nhận. Christian sử dụng một loạt những chiến lược cưỡng ép để kiểm soát hành vi của Anastiasia: cô lập Anastasia (cấm Anastasia bàn về mối quan hệ của họ với bất kỳ ai, kể cả gia đình và bạn bè), bám đuôi theo dõi (Christian liên tục xuất hiện không báo trước, kể cả khi Anastasia đang giận anh, ở nơi làm việc, căn hộ và nhà mẹ của cô, và anh cũng liên tục gọi điện cho cô khi cô không bắt máy, bản thân Christian còn sử dụng đúng từ bám đuôi theo dõi khi nói chuyện với bác sĩ của mình). Christian cũng đe dọa Anastasia để kiểm soát cô, dù hành vi này lại được lãng mạn hóa: anh đe dọa sẽ đánh cô nếu cô đảo mắt với anh, và khi cô làm vậy, anh đã thật sự đánh cô (mặc dù việc “đánh đòn” này chỉ xảy ra trong bối cảnh BDSM, nhưng nó vẫn xảy ra như một sự trừng phạt cho hành vi của cô). Christian cũng liên tục tìm cách kiểm soát hành vi của Anastasia. Dù Ana đã nói với Christian là cô không muốn anh xuất hiện ở quán bar để “cứu” cô, nhưng anh vẫn phớt lờ ước muốn của cô và theo dõi điện thoại của cô để tìm xem cô đang ở đâu, xuất hiện và “cứu” cô. Christian thay Anastasia ra những quyết định cô có thể tự làm. Anh tự ý bán xe cũ của cô, tự ý mang cô về nhà của anh sau khi “cứu” cô ở quán bar (một bước đi rất đáng ngờ và rùng rợn). Quyển 2, chương 2, khi Anastasia không muốn ăn, anh đã đe dọa “Thề có Chúa, Anastasia, nếu em không ăn, tôi sẽ đánh mông em ngay giữa nhà hàng này, và em sẽ chẳng nhận được bất cứ sự ban thưởng sung sướng nào đâu. Ăn đi!”. Dù những cảnh tiếp theo sẽ lãng mạn hóa lời nói này, đây thật chất vẫn là một lời đe dọa, rằng anh sẽ đánh cô nếu cô không làm theo ý anh. Ngoài ra, Christian cũng thực hiện hành vi lăng mạ Anastasia. Anh liên tục khiển trách cô vì cô đã uống đến say trong lần đi chơi ở quán bar. Khi Anastasia đang tránh Christian bằng cách về Georgia và thoải mái uống bia, nghĩ rằng anh không theo dõi cô, anh đã gửi tin nhắn “Em còn định uống thêm bao nhiêu ly nữa?” vừa nhằm lăng mạ cô vừa khiến cô nhận ra cô đang bị anh theo dõi. 2. Phản ứng với sự bạo hành tinh thần Phản ứng của Anastasia đối với những hành vi điều khiển và cưỡng ép của Christian cũng giống những gì được nạn nhân bạo hành miêu tả, bao gồm cảm giác nguy hiểm rình rập, kiềm chế (hành động hoặc nhượng bộ nhằm mục đích “giữ hoà khí”), tình trạng mong đợi (cố gắng một cách vô vọng nhằm tạo mối quan hệ chân thành cởi mở với kẻ bạo hành), thay đổi tính cách, mất quyền hạn tự quyết (sự thay đổi thói quen và hành vi để phù hợp với ý muốn kẻ bạo hành) và bị giam cầm, bế tắc (cảm giác bị kẻ bạo hành giam cầm trong mối quan hệ). Thêm một lần nữa, một chú ý trước khi bắt đầu: quan hệ BDSM đồng thuận bao gồm sự đàm phán về quyền lực một cách công bằng. Mặc dù cả hai bên đều có thể cảm thấy không thoải mái khi đàm phán diễn ra, trong quan hệ đồng thuận, không có bên nào phải đơn phương chịu sự biến đổi tiêu cực về danh tính và cái tôi. 3. Bạo lực tình dục Bạo lực tình dục xuyên suốt tất cả những cảnh quan hệ của hai nhân vật, bao gồm việc Christian sử dụng chất cồn và hành động thị oai khi giận dữ để lấy sự đồng thuận của Anastasia. Nhắc thêm một lần nữa, trong mối quan hệ BDSM đồng thuận, việc sử dụng chất cần và chất gây nghiện sẽ vô hiệu hoá sự đồng thuận, và mặc dù mối quan hệ mang bản chất vượt giới hạn, những giới hạn cá nhân của đôi bên luôn được tôn trọng. KếtNhững hành vi trong Fifty Shades of Grey rất đồng nhất với định nghĩa về Bạo lực trong mối quan hệ thân mật. Bạo hành tình cảm diễn ra ở hầu như tất cả những tương tác giữa Christian và Anastasia, bao gồm bám đuôi, hăm doạ, cách li và làm nhục, được dùng với một mục đích chung là để kiểm soát Anastasia. Bạo lực tình dục cũng rất trắng trợn, bao gồm việc sử dụng chất cồn và đe doạ/gây áp lực. Anastasia trải nghiệm những cảm xúc giống như những gì nạn nhân bạo hành miêu tả lại trong những nghiên cứu trước đây, bao gồm cảm giác nguy hiểm rình rập, căng thẳng, tình trạng mong đợi, thay đổi tính cách, mất quyền tự quyết và bị giam cầm, bế tắc.
Những biểu hiện bạo hành trong Fifty Shades cũng giống như những gì đã được ghi chép về những đôi bạo hành khác, như việc sử dụng bạo lực để kiểm soát kết quả của mối quan hệ, sự xung đột căng thẳng giữa bạo lực và mong muốn có một mối quan hệ chân thành cởi mở, việc dùng bạo lực trong tình dục, việc thâu tóm và điều khiển nạn nhân khi kẻ bạo hành đang trong cơn giận dữ, phương pháp giảm nhẹ sự tiêu cực của bạo hành, và những cố gắng rời bỏ mối quan hệ của nạn nhân. Một số dấu hiệu này (vd: hi vọng vào một mối quan hệ “bình thường”, giảm nhẹ xung đột căng thẳng) có thể là điểm chung của mọi mối quan hệ tình cảm (có bạo lực hoặc không). Tuy nhiên, phương giảm nhẹ độ trầm trọng của hành động tổn hại (như đánh đập) là một đặc tính của quan hệ bạo hành. Những phương pháp này có thể bao gồm: không cho phép nạn nhân nói về hành động bạo hành (đổi đề tài nói chuyện hoặc bắt nạn nhân “ngậm miệng”), chối bỏ trách nhiệm (Nạn nhân: “Mọi người nghĩ em bị dập xương gò má”; Kẻ bạo hành: “Xin lỗi, nhưng có ai động gì vào đâu”); chối cãi tính chân thực trong câu chuyện của nạn nhân (“Có ai đẩy đúng như mày kể đâu”); hoặc nhắc nhở nạn nhân về lỗi lầm xứng đáng bị đánh đập. Những phương pháp tương tự có thể được tìm thấy trong mối quan hệ giữa Christian và Anastasia. Chẳng hạn như khi Christian cố giảm nhẹ cảm giác bị xúc phạm, nhục mạ và bạo hành của Anastasia bằng cách gợi ý rằng một người ở vai “submissive” chân chính sẽ đón nhận những cảm giác này, tự tìm cách giải quyết, vì anh ta. Một cách nhìn khác có thể lí giải rằng Anastasia thực sự thích thú khi “bị bạo hành” trong mối quan hệ BDSM và chẳng qua chỉ đang trong quá trình đấu tranh với những cảm giác không thoải mái về BDSM. Mặc dù một phần lí giải này có thể không sai, Anastasia có bộc lộ trong suốt tác phẩm nỗi lo sợ về hiểm hoạ của mối quan hệ. Hơn hết, nếu lí giải sự lo ngại của Anastasia chỉ là vì chưa sẵn sàng cho BDSM, chúng ta dễ dàng mắc phải một lối lí luận đổ lỗi nạn nhân cổ điển, khi nạn nhân được cho là đóng vai trò chính trong việc châm ngòi bạo hành. Những triệu chứng trong mối quan hệ của Christian và Anastasia cũng giống như trong những mối quan hệ bạo hành khác. Lạm dụng chất gây nghiện, ghen tuông và những vấn đề sức khoẻ tâm lí là một trong những dấu hiệu chính của quan hệ bạo hành. Bất chấp những biểu hiện bạo hành trình bày ở trên, những nhà phê bình đại chúng vẫn gợi ý rằng bộ tác phẩm giải phóng sự biểu thị tình dục của nữ giới, bằng một “cơ hội” để cho họ trải nghiệm tình ái nghệ thuật một cách cởi mở trong một nền văn hoá áp chế cực độ. Bài phân tích này không tập trung vào việc làm rõ tuyên ngôn này của các nhà phê bình đại chúng, rằng bộ tác phẩm giải phóng biểu thị tình dục của nữ giới. Tuy nhiên, từ bài phân tích có thể thấy, mặc dù Anastasia được miêu tả có “khoái cảm” trong một vài cảnh quan hệ, nhân vật cùng lúc cảm thấy rối loạn và lo sợ bị tổn hại. Nhân vật cũng mong muốn có được một mối quan hệ “bình thường”. Thêm vào đó, Anastasia bị cưỡng bách đồng thuận trong những hoạt động tình dục qua việc sử dụng chất cồn và đe doạ/gây áp lực. Ngoài ra, việc Christian điều khiển và dẫn dắt Anastasia vào những hoạt động tình dục mà Anastasia cảm thấy không thoải mái cũng không giống như những gì được biết về mối quan hệ BDSM đồng thuận, khi phải có sự đồng tình từ hai phía, và đôi khi là hợp đồng để đảm bảo rằng giới hạn luôn được tôn trọng. Mối quan hệ có BDSM với sự đồng thuận từ mọi phía tham gia và không mang tính đe dọa, ép buộc hay tống tiền là một mối quan hệ BDSM lành mạnh. Cho dù người tham gia có thực hiện hành vi tình dục (hoặc phi tình dục) được xem là kỳ lạ hoặc khác thường đến nhường nào trong chuẩn mực thông thường của xã hội, nếu các phía tham gia đều tự nguyện và hưởng ướng hồ hởi thì điều đó hoàn toàn là đúng, an toàn và không phải việc của ai trừ họ. Tuy nhiên, nếu BDSM mà không có sự hưởng ứng rõ ràng từ mọi bên, hoặc có bên bị cưỡng bách tham gia vì chất gây nghiện, bị tống tiền hoặc bị lừa tham gia khi chưa có đủ kiến thức về BDSM thì đó không còn là một hành vi tình dục an toàn, vui vẻ nữa. Khi đó, đấy là bạo hành. ______________________________________________________________________________________ Dịch và Viết: Thanh Hà, Zen Art: eL Nguồn: Amy E. Bonomi (2013). ‘‘Double Crap!’’ Abuse and Harmed Identity in Fifty Shades of Grey. http://everydayfeminism.com/2015/03/50-shades-of-abuse-10-signs-of-unhealthy-relationships-a-la-christian-grey/ https://50shadesabuse.wordpress.com/
0 Comments
Leave a Reply. |