Những điều nên/ không nên làm/ nói với nạn nhân của bạo hành trong một mối quan hệ lãng mạn7/9/2017 Khi nghe tin bạn bè, người thân hoặc ai đó gần gũi bên ta bị bạo hành, hẳn ai cũng sẽ rất bàng hoàng và bối rối, chẳng biết phải nói làm sao. Một khi nạn nhân đã chia sẻ với bạn những khó khăn này thì họ đã đặt nhiều niềm tin vào bạn, và bạn có thể sẽ hỗ trợ họ rất nhiều trong cuộc chiến chống lại bạo hành của họ. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết phải nói gì, và đôi khi vô tình chúng ta có thể nói phải những lời vô cùng đau đớn và có thể ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe tâm lý của nạn nhân. Vậy, chúng ta nên (hay không nên) nói/làm gì? Dưới đây là những điều chúng ta không nên nói với nạn nhân. 1. “Sao cậu không chia tay/ly dị hắn đi?” (hoặc: “Sao cậu không chia tay/ly dị sớm hơn?”) Đây hẳn là sai lầm dễ mắc phải nhất của tất cả chúng ta. Ở góc nhìn của một người ngoài cuộc, trắng đen luôn thật rõ ràng: hắn tệ bạc như vậy, bỏ đi thì có gì tiếc! Thế nhưng, người bạo hành luôn có những cách để kiểm soát nạn nhân và đảm bảo nạn nhân không thể xa rời họ. Đó có thể là phụ thuộc về tài chính (ví dụ như trong trường hợp phụ huynh-con cái, hoặc giữa một cặp vợ chồng trong đó một người có điều kiện học hành và một người bị buộc phải thôi học từ bé,...), ràng buộc về con cái (sợ tính mạng con cái bị đe dọa, sợ không thể một mình nuôi nổi con,...), không tin tưởng vào bản thân (ví dụ như nạn nhân của gaslight), bị dọa đánh đập hoặc sợ bị giết (75% phụ nữ bị bạo hành bị giết bởi người bạo hành khi họ tìm cách chia tay/ly dị); hoặc thậm chí là vì đôi khi nạn nhân vẫn còn yêu người bạo hành nhiều lắm. Phụ nữ bị bạo hành thường có thể chia tay rồi trở lại với người bạo hành bảy lần trước khi họ có thể thật sự rời bỏ. Các bạn thấy đấy, chia tay người bạo hành không dễ tí nào. Quan trọng hơn nữa, câu hỏi này sẽ làm nạn nhân cảm thấy bị chỉ trích, cảm thấy không được thấu hiểu và cảm thấy bản thân thật vô dụng vì không thể dứt bỏ được. Thay vào đó, bạn hãy cho họ thấy bạn sẽ luôn đứng về phía họ cho dù họ muốn rời bỏ hay không, và giúp đỡ họ khi họ cuối cùng đã lấy hết can đảm mà bước tiếp. 2. “Có thật là vậy không? Cậu ấy có vẻ là một người tốt. Cậu không bịa chuyện đấy chứ?” Một khi nạn nhân lấy đủ dũng khí mà chia sẻ cho bạn những trải nghiệm tồi tệ nhất mà họ đã phải một mình trải qua thì đây quả là một cái tát vào mặt! Người bạo hành thường rất hay đe dọa nạn nhân rằng sẽ không ai tin họ hoặc họ đang ảo tưởng để tránh họ kể cho người ngoài. Đồng thời, họ cũng xây dựng một nhân cách ôn hòa, đứng đắn để người ngoài không dị nghị. Nạn nhân hẳn cũng đã phải trả qua rất nhiều chất vấn. Họ thường sẽ tự hỏi bản thân rằng đâu mới là sự thật, liệu đó có thật sự là lỗi của người bạo hành hay không, liệu mọi người có tin mình hay không,... Bạn không biết được chuyện kinh khủng gì có thể xảy ra đằng sau cánh cửa. Hãy tin vào nạn nhân. Cho họ thấy rằng bạn tin tưởng họ và những gì họ trải qua không phải là tưởng tượng, và những ngược đãi họ đang phải gánh chịu không phải là lỗi của họ. Xã hội chúng ta vốn dĩ thích chất vấn nạn nhân hơn là hung thủ. Đừng như vậy: hãy nhìn từ góc nhìn của nạn nhân. 3. “Không có lửa thì làm sao có khói!” (hoặc: “Cậu đã làm gì thì hắn mới đối xử với cậu như vậy chứ!”) Đây là một tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân điển hình. Tuy nhiên: bạo hành thì vẫn là bạo hành, cho dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa cũng không thay đổi được điều đó. Không có ai xứng đáng bị như vậy. Không có lý do nào có thể tha thứ được cho việc ngược đãi, đánh đập hay sỉ vả người khác. 4. “Nếu tôi là cậu thì tôi đã [làm gì đó]!” Nếu bạn là họ thì chắc chắn bạn sẽ hành động giống họ, nếu không thì bạn không thể là họ được! Bởi vì bạn không phải trải qua những gì nạn nhân bạo hành phải chịu đựng nên bạn sẽ không thể thật sự hiểu được động cơ hay ý nghĩa của những điều họ nghĩ hay làm. Do đó, hãy lắng nghe và đừng đánh giá! 5. “Sao cậu không nói sớm hơn!” (hoặc: “Sao cậu không nói với mọi người!”, “Sao cậu không báo cảnh sát!”) Có rất nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân hoảng sợ, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Có thể đó là vì họ không ngờ rằng mình đang bị bạo hành, hoặc vì bị người bạo hành đe dọa, hoặc sợ không ai tin họ... Việc họ nói ra đã rất là dũng cảm rồi. Nguy hiểm hơn, câu nói này có thể giết chết mọi cố gắng tiếp theo của họ. 6. Đe dọa hoặc mắng chửi kẻ bạo hành: Bạn cảm thấy phẫn nộ trước những gì người thân/bạn bè của mình đang phải chịu đựng. Bạn cảm thấy kẻ bạo hành thật xứng đáng nhận một cái bạt tai? HÃY DỪNG LẠI! Nếu bạn đe dọa hay làm bất cứ điều gì có hại lên kẻ bạo hành, người phải hứng chịu cơn giận dữ của hắn sẽ là nạn nhân! Hành động nông nỗi này của bạn có thể thậm CƯỚP ĐI TÍNH MẠNG của nạn nhân. Hãy lắng nghe nạn nhân và trợ giúp họ, và chỉ hành động khi họ đề nghị. Ngoài ra, bất cứ hành động can ngăn nào quá gấp rút và không thể đảm bảo được cho sự an nguy của nạn nhân đều rất không nên. Bạn có thể sẽ gây hại nhiều hơn là giúp đỡ nạn nhân nếu bạn hành động tùy tiện như thế. Trên đây chỉ là một số gợi ý cơ bản để các bạn có tránh làm tổn thương nạn nhân. Tuy nhiên, mỗi nạn nhân khác nhau sẽ có những hoàn cảnh khác nhau. Điều quan trọng nhất là hãy lắng nghe và quan tâm tới họ. Chính tình cảm của bạn dành cho nạn nhân, chính sự quan tâm, giúp đỡ của bạn sẽ là những bước đỡ tinh thần rất quan trọng để nạn nhân có thể vượt qua những tháng ngày tăm tối do bạo hành mang đến. Dưới đây là những việc bạn nên làm/ nói với nạn nhân để thể hiện tình cảm và sự quan tâm của bạn đối với họ. 1. Hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp họ: Mỗi nạn nhân bạo hành sẽ có cách giải quyết và cơ chế đối phó riêng của họ. Với một số nạn nhân bị bạo hành thân thể, họ sẽ rất sợ bị đụng chạm, nhưng vẫn có một số người rất cần tương tác thân mật từ những người thân hoặc bạn bè mà họ tin tưởng. Để biết điều gì làm họ thoải mái, dễ chịu và điều gì làm họ lo âu, sợ hãi, hãy hỏi. Ngoài ra, nạn nhân cũng sẽ cảm thấy tin tưởng và được hỗ trợ hơn nếu bạn tỏ ra thiện chí muốn giúp đỡ. 2. “Đấy không phải là lỗi của cậu”: Nạn nhân đã phải nghe rất nhiều lần từ kẻ bạo hành rằng mọi thứ đều là lỗi của họ, nhiều đến mức họ sẽ tin rằng đấy là sự thật. Lời xác nhận từ bạn rằng mọi họ không có lỗi sẽ mang ý nghĩa rất lớn cho họ. 3. “Tớ rất lo cho cậu vì dạo gần đây cậu...”: Không phải nạn nhân nào cũng sẽ mạnh dạn chấp nhận được sự thật rằng họ đã hoặc đang bị bạo hành. Việc giúp họ nhận ra điều đó là cần thiết, nhưng nói thẳng ra rằng “Cậu đang bị bạo hành” hay “Hãy mau chóng bỏ hắn đi, hắn đang làm hại cậu” rất có thể sẽ làm nạn nhân cảm thấy hoảng sợ và đẩy họ vào trạng thái chối bỏ. Thay vào đó, bạn hãy bày tỏ mối quan tâm của bạn về sự an toàn của họ mà không đánh giá về mối quan hệ của họ hay kẻ bạo hành. 4. “Cậu có thể liên hệ với tớ khi cậu đã sẵn sàng chia tay hắn” / “Hãy liên hệ với ...., họ sẽ giúp cậu”: Đúng là bạn không nên thúc ép họ chia tay người bạo hành ngay lập tức, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn cứ để lơ cho họ bị kẹt mãi trong mối quan hệ không lành mạnh đó. Hãy thật kiên nhẫn và bình tĩnh để đồng hành cùng nạn nhân trong từng bước đi của họ cách xa kẻ bạo hành. Hãy giúp họ nhận ra rằng họ vẫn còn kiểm soát bằng cách đưa cho họ những số điện thoại hỗ trợ từ các đường dây trợ giúp bạo hành, những dữ liệu liên quan đến cách giúp đỡ nạn nhân bạo hành,... Sau đó, hãy kiên nhẫn đợi và động viên cho đến khi họ sẵn sàng bước thêm bước nữa. 5. “Cậu xứng đáng được đối xử tốt hơn thế” / “Cậu không đáng bị đối xử tệ bạc như vậy”: Có thể nạn nhân bạo hành đã nhận ra rằng mình bị bạo hành, nhưng họ sẽ suy nghĩ rằng có lẽ họ xứng đáng bị như thế. Nạn nhân bạo hành không đơn giản là bị giam cầm về mặt thể xác mà họ còn là một tù nhân tinh thần của kẻ bạo hành: lòng tự trọng, ý thức và giá trị bản thân của họ đã bị tổn thương đến nghiêm trọng. Hãy chỉ ra cho họ thấy rằng, không điều gì có thể biện hộ được cho bạo hành. Không ai xứng đáng bị đối xử như thế. 6. Ngoài ra, nâng cao kiến thức bản thân về bạo hành cũng vô cùng quan trọng. Cách để nhận ra các dấu hiệu của bạo hành và những kiến thức cơ bản về bạo hạnh sẽ rất có ích không chỉ cho nạn nhân mà còn cho chính bạn. Chúng mình mong bài viết này sẽ hữu ích cho bạn. CHúc bạn và người thân ngày lành.
0 Comments
Leave a Reply. |