Theo thống kê của UNICEF, hiện có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Trên thế giới, tỉ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục trung bình là 19,7% đối với nữ và 7,9% đối với nam. (*). Riêng tại Việt Nam, theo Cục công An trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), đã có tận 8200 vụ xâm hại trẻ em, với số nạn nhân lên đến 9920. Tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng theo từng năm (867 vụ vào năm 2010; 940 vụ vào năm 2011; 1382 vụ vào năm 2014), với số nạn nhân là trẻ em nam ngày càng tăng.[1] Những con số biết nói trên hẳn là đủ để chứng minh sự cấp thiết của vấn nạn bạo hành trẻ em. Với hàng loạt sự kiện đáng căm phẫn đã được báo đài công bố như bảo mẫu trường mầm non Phương Anh dùng vũ lực để “trị” trẻ [2], hay trường hợp bé Hào Anh bị đối xử tàn tệ [3], bạo hành trẻ em cũng đã tạo nên một làn sóng thông tin và nhận được sự chú ý đặc biệt trong những năm gần đây sau một thời gian dài bị xem nhẹ. Tuy nhiên, điều đáng buồn chính là mặc cho những thông tin ấy, vẫn còn tồn trong xã hội nhiều quan điểm, nhận định sai lầm về vấn nạn này, và điều đó đang phần nào gây cản trở cho quá trình nâng cao nhận thức để chấm dứt bạo hành trẻ em. Vậy đâu là những quan điểm sai lệch? 1.Bạo hành đồng nghĩa với bạo lực Đây có lẽ là sự ngộ nhận thường thấy nhất khi nhắc đến bạo hành. Theo định nghĩa của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), bạo hành trẻ em bao gồm tất cả những hành vi đối xử tệ bạc về thể chất hay tinh thần, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê, dẫn đến nguy hại hay khả năng nguy hại đối với sức khỏe, nhân phẩm, hay sự phát triển của đứa trẻ. Vì thế, vấn đề này không chỉ gói gọn trong lạm dụng tình dục, những đòn roi vọt hay những hành động gây thương tích cho cơ thể của trẻ nói chung, mà cũng là việc phụ huynh bỏ bê, không chăm sóc con cái, cố tình xúc phạm trẻ bằng lời nói, thái độ tiêu cực,… ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì sự lầm tưởng này mà người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh, lơ là trong việc điều chỉnh hành vi của mình khi tiếp xúc với trẻ. Một ví dụ tiêu biểu chính là không cho trẻ được phản biện. Đặc biệt ở châu Á, trẻ em đa phần chưa được dạy để phát biểu ý kiến của mình, và việc này được xem là bình thường. Nhưng điều đó sẽ trở thành bạo hành nếu người tiếp xúc với trẻ ngăn cấm mọi phát biểu mang tính cá nhân và thường xuyên “dạy dỗ” trẻ bằng cách la hét dù cho trẻ không làm lỗi. Ngoài ra, ngược đãi về mặt tâm lý còn bao gồm không thể hiện tình thương, sự quan tâm đối với trẻ, chì chiết trẻ vì những chuyện lặt vặt, dọa đánh, dọa giết… Những việc làm như thế, tuy dần dà sẽ ảnh hưởng đến biểu hiện, tính cách hay thậm chí gây ra bệnh tâm lý ở trẻ em, vẫn bị người lớn mặc nhiên cho qua và coi như đó là cách dạy con thông thường. Khác với lạm dụng và dùng vũ lực để răn đe trẻ nhỏ, bạo hành tinh thần không để lại những hậu quả cụ thể như chấn thương vật lý như bầm, trầy xướt,... Trẻ bị bạo hành về tinh thần sẽ có những biểu hiện như ghét bản thân, lòng tự tôn thấp, khả năng giao tiếp kém, có những hành vi gây rối, dễ nóng giận,… Những “vết thẹo” này không xuất hiện tức thời mà hình thành theo thời gian nên đa phần người lớn không thấy được sự tương quan giữa chúng với bạo hành. Điều đó cho thấy, trong khi lạm dụng tình dục và bạo hành thể xác đang là vấn đề nóng hổi của xã hội, hành vi ngược đãi về tinh thần và cảm xúc của những đứa trẻ non nớt, dễ tổn thương vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng, mặc cho sự thật là tất cả các hình thức ngược đãi trên đều để lại hậu quả khôn lường. 2.Trẻ em chỉ bị bạo hành bởi người lạ và người xấu Đối tượng ngược đãi trẻ mà ta thường thấy trên tivi là những người lạ không thân thuộc. Nhưng theo thống kê cho thấy có 96% người bạo hành là người mà trẻ tin tưởng, với 50% số đó là “người quen” của gia đình (bạn của cha mẹ, hàng xóm,…) [4]. Trong khi ta phòng hờ, bảo vệ con mình trước những “kẻ xấu” bên ngoài thì hiểm họa thực sự lại bị bỏ qua. Người quen, thân thiết với trẻ hội đủ điều kiện để gây nên hành vi bạo hành: dễ dàng vào nhà và tiếp xúc với trẻ, không bị quản lý, giám sát khi chơi với trẻ, được trẻ tin tưởng,… Nhưng đa phần, đây là những người ít bị nghi ngờ nhất do cảm giác chủ quan thường gặp là “người quen ai lại làm như thế”. Vì thế, đừng chỉ giới hạn mối quan ngại của bạn ở mức “người lạ”. Ngoài quan hệ của đối tượng bạo hành với trẻ, số đông còn ngộ nhận về xuất thân và lứa tuổi của đối tượng. Định kiến chung là chỉ những người “xấu” (nghiện ngập, bệnh hoạn, có tiền án, nhà nghèo không được dạy dỗ,…) mới có chủ định bạo hành. Tuy nhiên, sự thật vốn không rạch ròi trắng đen như thế. Theo cục FBI, “mặc định một người không phải là kẻ lạm dụng trẻ em chỉ vì hắn có vẻ tốt, ăn mặc đàng hoàng, đi nhà thở và làm việc chăm chỉ là hoang đường”. Hành vi bạo hành xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng lai lịch và ngoại hình không phải một trong số đó. Ví dụ tiêu biểu nhất gần đây chính là diễn viên Minh Béo. Là một nghệ sị có tên tuổi, được người người yêu mến với những vai diễn hóm hỉnh và gương mặt tròn trịa, hiền hậu, có ai nghĩ rằng anh lại phạm tội xâm phạm tình dục trẻ nhỏ và bị bắt giữ ngay trên đất khách. Nếu có ai còn quy chụp rằng chỉ “người xấu” mới phạm tội thì trường hợp của anh như một hồi chuông cảnh tỉnh, vì định kiến này khiến cho ta mất cảnh giác với những người có vẻ ngoài sang sủa và lý lịch sạch boong. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bạo hành thậm chí còn là mục sư hoặc giáo viên [5]. Không những thế, cha mẹ ruột còn chiếm tỉ lệ khá cao trong số những người bạo hành với 71% trẻ bị bạo hành về thể xác và 73% về tinh thần. [6] 3.Trẻ em nói dối về việc bị bạo hành Những câu chuyện cổ tích không tên, những người bạn/thú nuôi tưởng tượng đều là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ. Có lẽ vì thế mà người lớn, khi không đủ quan tâm, sẽ xếp tiếng kêu cứu từ bạo hành của trẻ em vào mục này. Nói chơi, gây chú ý, hay nói dối,…là những lí do người lớn đưa ra khi họ nghe chính con em mình bảo rằng chúng bị ngược đãi. Tệ hơn, có những gia đình biết trẻ bị xúc phạm, chửi mắng, thậm chí chịu đòn roi ở trường nhưng vẫn làm lơ vì cho rằng không nên can dự vào việc “dạy dỗ” của nhà trường. Chính sự vô tâm, không tin tưởng này càng khiến cho trẻ khó mở lời tố giác người bạo hành, dẫn đến việc nhiều người mãi sau này khi lớn lên mới dám kể về việc họ từng bị bạo hành khi còn nhỏ, nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Ngoài ra, việc trẻ rút lại/thay đổi lời khai về việc bị bạo hành cũng là một phản ứng tâm lý bình thường, không đồng nghĩa với việc trước đó trẻ nói dối. Nếu một đứa trẻ tin tưởng bạn đủ nhiều để tiết lộ rằng chúng bị bạo hành, ít có khả năng là chúng đang nói dối. Vì trẻ em nhìn nhận sự việc khác với người lớn, cộng với áp lực từ việc phải nhớ và kể lại những lúc chúng bị đối xử tệ bạc, nên trẻ em có thể thay đổi câu chuyện của mình qua nhiều lần kể, từ đó khiến người lớn nghĩ rằng trẻ không trung thực. Không những thế, sự ủng hộ hay đồng thuận từ người thân cũng ảnh hưởng ít nhiều đến câu chuyện của trẻ. Trong một nghiên cứu [**] cho thấy 2,23% trẻ em được phỏng vấn đã rút lại, phủ nhận hoặc thay đổi câu trả lời đã đưa ra trước đó khi được hỏi về việc chúng bị bạo hành, đặc biệt 1 phần 4 những trẻ trong nghiên cứu đã rút lại lời khai khi không nhận được sự ủng hộ và đồng cảm từ người thân. Khi trẻ lên tiếng về việc bị bạo hành tức là trẻ đã rất tin tưởng bạn, vì thế hãy bày tỏ sự quan tâm của mình với trẻ, đừng vội phủ nhận hay ngăn trẻ kể ra vì điều đó càng tăng thêm áp lực cho trẻ và buộc chúng phải giữ im lặng về những việc khủng khiếp đã xảy ra với chúng. Vì dù chúng có nói dối về việc bị bạo hành, thì chúng chỉ giảm nhẹ mức độ bị bạo hành khi kể hoặc phủ nhận hoàn toàn việc mình từng bị bạo hành mà thôi. 4.“Con tôi, tôi có quyền dạy” Đầu tiên, không thể đánh đồng ngược đãi và dạy dỗ. La rầy khi trẻ mắc lỗi không phải là sai, nhưng đánh đập hay xúc phạm trẻ khi bản thân phụ huynh không kiềm chế được cơn giận của bản thân thì lại là chuyện khác. Không thể dùng “giáo dục” để biện minh cho hành vi ngược đãi của mình, vì có nhiều phương pháp giáo dục khác nhẹ nhàng, tinh tế và hiệu quả hơn là dùng đòn roi hay câu từ cay nghiệt. Thứ hai, con cái tuy được nuôi nấng và chịu sự dạy dỗ của cha mẹ nhưng không có nghĩa chúng là tài sản riêng của cha mẹ. Trẻ em, dù ở độ tuổi nào, cũng là một cá thể độc lập và có những suy nghĩ, hành động riêng và cha mẹ đóng vai trò là người uốn nắn hành vi, hướng dẫn và khuyên răn con cái để chúng có lựa chọn đúng, chứ không can thiệp hay cưỡng ép con làm theo ý mình. Hơn hết, sự phát triển của trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn là mối quan tâm của xã hội nói chung, vì thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước. Do đó, việc giáo dục con có lẽ không còn là việc riêng của từng gia đình khi nó còn ảnh hưởng đến tổng thể xã hội trong tương lai. Vì thế thay vì nói rằng “Con tôi, dạy dỗ chúng thế nào là quyền của tôi”, hãy nói rằng “Con tôi, dạy dỗ chúng thế nào là trách nhiệm của tôi”. 5.Thời gian sẽ chữa lành mọi thứ Có những trường hợp, nạn nhân bị bạo hành có thể vượt qua giai đoạn kinh khủng đó để làm lại từ đầu. Có những vết thương thể xác lẫn tinh thần đã được chữa lành qua thời gian. Điều đó dĩ nhiên là đáng quý khi biết rằng có người đủ sức bỏ lại quá khứ không mấy tốt đẹp ấy ở phía sau khi lớn lên, song, vẫn còn những người sau bao năm tháng vẫn chưa hồi phục hẳn những vết sẹo tâm hồn. Quá khứ bị bạo hành có thể trở thành một nỗi kinh hoàng, cứ day dứt không thể buông bỏ. Có nhiều nạn nhân kể rằng họ vẫn bị ám ảnh bởi những hồi ức từ thuở nhỏ và đôi khi một âm thanh, một hình ảnh vụt qua cũng có thể gợi lại cho họ những kí ức ấy. Cụ thể như một câu đùa vô tình của bạn bè về cưỡng hiếp sẽ dễ dàng gợi nhắc một người từng bị xâm hại tình dục về những gì họ phải trải qua. Họ cần được trút bỏ những kí ức ấy bằng cách nói ra, dù là trong với một người bạn thân hay với bác sĩ tâm lý. Do đó, đừng ngăn cản họ làm điều đó, dù cho bạn nghĩ rằng im lặng và sống tiếp là phương án tốt hơn cho chính họ. Nếu một người muốn chia sẻ về việc bị ngược đãi, hãy ủng hộ họ, dù cho đó là đứa trẻ mới thoát khỏi bạo hành hay một người lớn đã trưởng thành. Tôi thường nghe một câu cửa miệng đó là: “Qua rồi thì đừng nhắc lại làm gì”. Nhưng khi ta bỏ qua bạo hành, ta đang vô tình né tránh sự thật và gián tiếp tạo điều kiện cho những ảnh hưởng tâm lý được bộc phát và trở nặng. Bạo hành kéo dài suốt những năm tháng thơ ấu là một cú sốc không hề nhỏ đối với những tâm hồn non nớt của trẻ em, do đó, dù cho sự bạo hành đó có chấm dứt, nó vẫn để lại vết hằn trong tâm trí. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là một trong những hậu quả thông thường nhất mà bạo hành để lại. Đó là tình trạng tinh thần không ổn định bao gồm khủng hoảng, hồi hộp, trầm cảm do chấn động lớn xảy ra trong quá khứ gây ra, dễ thấy ở những người đi qua chiến tranh hay sống sót qua một thiên tai khủng khiếp. “Ở trẻ em thì phản ứng phải liên quan đến hành vi mất tổ chức hoặc kích động. Đặc biệt, chứng bệnh này thường có nguy cơ kéo dài, hoặc trở nên nghiêm trọng nếu nguyên nhân gây ra tình huống chấn thương tâm lý là con người ví dụ như cưỡng bức, hành hạ, đánh đập… Hay nói đơn giản là thảm họa thiên nhiên cũng không có hành hạ tâm trí con người bằng những hành động mà họ gây ra cho nhau.” (Trích Câu Chuyện Về Những Người Lính Và Chiến Tranh Không Phải Là Trò Chơi Quyền Lực, dịch và viết bởi Hải Đường Tĩnh Nguyệt- admin Beautiful Mind Vietnam) . Bên cạnh đó, trẻ từng bị bạo hành khi lớn lên thường có những biểu hiện như rụt rè, dễ gắn bó quá mức (attachment issue), sợ bị bỏ rơi (abandonment issue),… Vì thế, không nên ngăn cản nạn nhân bạo hành kể câu chuyện của mình, vì sự đồng cảm và động viên có lẽ sẽ hữu ích hơn là những cái phủi tay cho qua khi trẻ cần vượt qua cú sốc mang tên “bạo hành”. Không đề cập đến nó không có nghĩa là nó không tồn tại. Trẻ em cần được khuyến khích nói ra những gì chúng đã phải chịu đựng, được chia sẻ và cảm thông chứ không phải giấu kín đi những vết thẹo tâm hồn và mong chờ thời gian chữa lành. Và chỉ nên ủng hộ chúng bỏ qua khi bản thân chúng thật sự muốn thế, chứ không phải vì ý muốn của người khác. “Nó cần nhiều hơn sự yêu thương qua những lời nói sáo rỗng, nó cần cả sự hiểu biết khoa học, nhẫn nại và chân thành nữa. Không phải cứ lôi nó lên bề mặt vỗ về bằng lời yêu thương là sẽ khỏi. Sự nông cạn, kiêu ngạo mang danh yêu thương ấy nó có thể giết chết một người.” – Hải Đường Tĩnh Nguyệt (Beautiful mind Vietnam) Vì người mình yêu thương, hãy bắt đầu thật sự tìm và hiểu đúng về bạo hành. Tác giả: Thi Thơ Họa sĩ: Chuối Nguồn kham khảo:
(*) http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0272735809000245?via%3Dihub [1] http://www.whiteheathervn.com/th7889ng-kecirc-vagrave-s7889-li7879u/thong-ke-ve-bao-hanh-tre-em-o-viet-nam [2] http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/2001-xu-vu-bao-mau-truong-phuong-anh-doa-day-tre-2364584 [3] http://www.tienphong.vn/phap-luat/hao-anh-hanh-trinh-tu-cau-be-dang-thuong-toi-trai-tam-giam-880505.tpo [4] https://www.thoughtco.com/facts-about-child-sexual-abuse-statistics-3533871 [5] https://www.thoughtco.com/facts-about-child-sexual-abuse-statistics-3533871 [6] http://www.corrections.com/news/article/46055-child-abuse-statistics-offenders-and-demographics [7] http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/y-kien-cua-toi/hau-qua-cua-viec-dung-bao-luc-de-thuan-hoa-con-cai-3093558.html [**] Nguồn: http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0022096515003045, trích dẫn bởi https://childsworldamerica.org/why-kids-reporting-abuse-often-recant/
0 Comments
Leave a Reply. |